Cái nhìn của chúng ta đối với những người xăm hình hay thợ xăm hình là gì? Là những người “hung dữ” và những “ông chú bặm trợn” hay là người trẻ tuổi “ngầu lòi” và “bác sĩ tỉ mỉ khó tính”?
Nhưng dù có nhìn nhận thế nào thì đó cũng là cái nhìn mang tính chủ quan cá nhân, có đúng không?
Chúng ta đã đọc rất nhiều câu chuyện, về những ảnh hậu những ca hậu thời hiện đại, về những sư tôn và vua chúa thuở xa xưa, vậy sao không thử đọc Chìm Đắm để có cái nhìn sinh động hơn về những hình xăm?
Bối cảnh chính của Chìm Đắm là studio xăm hình do Khâu Lam và Khương Niệm đồng làm chủ cùng với bar Thời Quang của Diêu Nhiễm và Nguyễn tổng chung tay mở cùng công ty của Diêu Nhiễm. Ba điểm chính cùng với các điểm đã tạo nên “bản đồ” trong Chìm Đắm.
Khương Niệm là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, cá tính và có thể nói là đa tình, đa tình nhưng không bắt cá nhiều tay. Khương Niệm là thợ xăm của studio, công việc mà trong mắt nhiều người, thậm chí là trong mắt bố cô là “không ra gì, không tử tế, làm mất mặt gia đình”. Thế nhưng Khương Niệm vẫn kiên quyết đi theo tiếng gọi của đam mê.
Công việc của Khương Niệm có thể nói là không hề nhàn hạ, không phải chỉ xăm, chỉ lên màu mà cô còn phải thiết kế hình xăm, gặp những khách hàng “nhát cáy”, cô phải an ủi họ, gặp những kẻ cố tình gây sự, cô phải cứng rắn. Một cô gái vừa làm chủ, vừa làm thợ xăm hình có thể nói là không dễ dàng.
Nhưng Khương Niệm còn trẻ.
Tuổi trẻ cho cô nhiệt huyết, lòng đam mê cháy bỏng cùng năng lượng dồi dào để theo đuổi công việc, niềm vui trong cuộc sống và tình yêu.
Khương Niệm xinh đẹp, rạng rỡ, những người theo đuổi cô rất nhiều là lẽ hiển nhiên. Nhưng Khương Niệm luôn dứt khoát, từ chối những mờ ám mà cô cảm thấy không thích hợp chứ không mang tâm lý thử cho biết, hay tạm bợ.
Quan điểm trong cuộc sống của Khương Niệm rất rõ ràng. Cô không sống trong ánh mắt người khác mà sống trong đam mê của chính mình. Một gia đình tan vỡ với người bố luôn phản đối nhưng lại có một người mẹ ủng hộ hết mình là một phần, nhưng phần còn lại là chính Khương Niệm luôn hướng tới điều lạc quan, tươi đẹp.
Vậy nên, trong tình yêu, Khương Niệm cũng là một người nồng nhiệt, bạo dạn, khát khao.
Trái lập với Khương Niệm là Diêu Nhiễm.
Diêu Nhiễm lớn hơn Khương Niệm gần 10 tuổi, cô có công việc hoàn hảo trong mắt người khác, có cuộc hôn nhân hoàn hảo trong mắt gia đình. Cô dịu dàng nhưng bảo thủ, lý trí, ghét những thứ mang tính xúc động và vượt ngoài kế hoạch. Nhưng ít ai biết công việc của cô là kỳ vọng của gia đình, là trách nhiệm người chị phải gánh vác thay em mình, còn cuộc hôn nhân vì lợi ích công ty, không hề có tình cảm mà chỉ chứa đựng phản bội ấy đã bệ rạc, hư thối đến mức nào.
Có lẽ, trước khi gặp Khương Niệm, quyết định táo bạo nhất của Diêu Nhiễm là chống lại lời phản đối của gia đình, thoát khỏi cuộc hôn nhân mánh khóe bội phản ấy. Mà sau khi gặp Khương Niệm, đó chính là yêu đối phương.
Giữa Khương Niệm và Diêu Nhiễm không chỉ là khoảng cách về nghề nghiệp, tính cách, trải nghiệm cá nhân mà còn là tuổi tác, môi trường sống.
Cuộc gặp gỡ của hai người chính là sự va chạm của lý trí và xúc động, mà tình yêu chính là thứ mắc kẹt ở chính giữa.
Lý trí sẽ không phản bội con người ta, nhưng lý trí có cái lý của riêng mình, nếu không phù hợp với “chuẩn mực”, lý trí sẽ từ bỏ thứ ấy. Giống như khi Diêu Nhiễm biết Khương Niệm lừa dối mình về mặt tuổi tác, cô đã đau khổ, nhưng cô vẫn từ bỏ đoạn tình cảm ấy. Bởi vì lý trí nói với cô, lọc lừa, phản bội sẽ chẳng có ý nghĩa gì nữa.
Xúc động sẽ phản bội con người ta, cảm tính phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện khách quan, như Khương Niệm yêu Diêu Nhiễm dưới tán hoa hải đường, như khi Khương Niệm và Diêu Nhiễm lần đầu lên giường cùng nhau khi cả hai đều chỉ là những người xa lạ với nhau. Nhưng khi xúc động không phản bội, tình yêu nồng nhiệt sẽ mãi ở đó.
Tính yêu mắc kẹt giữa lý trí và xúc động, nếu không đủ mạnh mẽ, không đủ thấu hiểu thì sẽ nhanh chóng bị đè ép, rồi vỡ vụn.
Mà kết cục chính là sự chia xa.
Nhưng tình yêu đủ để vượt qua trắc trở, chiến thắng được lý trí, duy trì được xúc động thì dù con người ta có đi hết trăm nẻo đường, họ cũng sẽ tìm thấy nhau.
Diêu Nhiễm và Khương Niệm chính là như vậy.
Ba điểm chính: studio - công ty của Diêu Nhiễm - bar Thời Quang cùng những lần “chạy bản đồ” như đi chùa, đến khám thú y cho Tứ Mao, Diêu Nhiễm về nhà, Khương Niệm và Diêu Nhiễm cùng đi thăm mẹ Khương Niệm, đến viện bảo tàng… đã vun đắp, chứng kiến cho tình yêu của 2 người từ 0 đến vô vàn. Để tình yêu đó đủ để sưởi ấm Khương Niệm những lúc cô lạc lõng, đau đớn, tủi hờn, đủ để Diêu Nhiễm thẳng thắn công khai cùng gia đình, thoát khỏi cuộc hôn nhân vụ lợi do bố mẹ dàn xếp.
Có hiểu lầm, có cãi nhau, có xóa bỏ hiểu lầm, mới có thể Chìm Đắm.
Những cung bậc cảm xúc của một tình yêu dịu dàng mà nồng cháy gói gọn trong xuyên suốt Chìm Đắm.
Có thể hệ thống nhân vật ở truyện không đồ sộ, “bản đồ” không rộng khắp, nhưng điều ấy thì có hề chi?
Chỉ cần người ta có được tình yêu trọn vẹn và mãi Chìm Đắm với nhau là đủ rồi, có đúng không?
Bình Luận